Vào những ngày tháng Tư dịu nhẹ – ngay trước thềm Ngày Văn hóa đọc Việt Nam, Tủ sách số 256 đã có mặt tại trường DTNT Huổi Luông 1, một điểm trường vùng biên xa xôi thuộc huyện Phong Thổ – Lai Châu, giáp ranh biên giới tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Ngôi trường nhỏ giữa núi rừng này là nơi học tập của gần 700 em học sinh dân tộc Hà Nhì, Dao, H’Mông – nơi mà mỗi trang sách từng là điều xa xỉ, và con chữ đến với các em sau hành trình băng rừng của những người thầy. Chuyến đi sau nhiều lần lỡ hẹn đã diễn ra trong một buổi sáng đầy cảm xúc. Chúng tôi gặp gỡ các em học sinh từ lớp 6 đến lớp 9, cùng nhau chia sẻ những ước mơ và niềm vui đọc sách. Ánh mắt các em sáng lên khi lần đầu được cầm trên tay những cuốn sách mới tinh. Một em nhỏ ngập ngừng hỏi:
“Toàn sách mới ạ?”
Câu hỏi khiến tôi lặng đi. Bởi tôi biết, ở nơi này, sách chủ yếu là sách cũ – xin được, hoặc sách giáo khoa đã qua tay nhiều người. Và tôi chợt nhớ, trước đây chính tôi cũng từng gửi những cuốn sách cũ lên vùng này với tất cả tấm lòng – nhưng chưa từng hình dung về niềm hạnh phúc lớn lao mà một cuốn sách mới mang lại.
Trong buổi giao lưu, 10 phần quà nhỏ được trao tặng như một lời gửi gắm đến những ước mơ đang lớn dần. Và chính lúc lắng nghe các em chia sẻ, tôi nhận ra: “Nghe thôi chưa đủ – phải đến để thấy, để chạm, để cảm, để thấu hiểu”. Phải đứng ở nơi này – mới thấy được những hy sinh thầm lặng của các thầy cô giáo băng rừng 30 cây số mỗi ngày để mang tri thức đến với các em. Mới thấy được giá trị vô giá của từng cuốn sách, từng câu chuyện kể. Trong phần giao lưu khi tôi hỏi Ước Mơ của các con là gì?
Có em nói:
“Em ước làm cô giáo dạy Sử – vì Sử dạy em biết yêu dân tộc, biết ơn cha ông đã ngã xuống đây bảo vệ đất này cho chúng ta…”
Có bạn trai nhỏ xíu lớp 6 lại dõng dạc:
“Em ước mơ làm bộ đội biên phòng… em muốn bảo vệ bản làng và đất nước!” – Tôi cười và nói với con: Cô biết con thần tượng ai rồi nha>
Một cậu bé đứng đầu hàng học sinh lớp 6 thì thổ lộ:
“Con ước làm cầu thủ bóng đá!”
Khi được hỏi: “Em thấy có khó không?”, em trả lời chắc nịch:
“Khó! Nhưng phải rèn thể lực thật nhiều, luyện chuyên môn nữa…”
Một cô bé đứng nép ở góc, khuôn mặt lấm tấm những sẹo chàm, nhẹ nhàng nói: “Con ước làm ca sĩ ạ”. Và khi tôi hỏi thêm, em đáp: “Phải học nhạc lý, luyện giọng…”
Tôi mỉm cười chúc em: Mong một ngày không xa, sân trường này sẽ vang lên tiếng hát của cô ca sĩ nhí.
Rồi tới một cô bé má hồng hồng rất điển hình của vùng cao – nói khẽ: “Con ước làm bác sĩ.”
Tôi không hỏi thêm, chỉ lặng lẽ nhìn ánh mắt rực sáng ấy – ánh mắt của một người mang trong mình khát khao mãnh liệt “Ước mơ là điểm bắt đầu – nhưng hãy học, hãy đọc, hãy dấn thân hết mình… để biến ước mơ ấy thành hiện thực.” – Tôi cố nói một câu thật to để cả sân trường cùng nghe
Tủ sách số 256 không chỉ mang theo sách – mà mang theo hạt mầm của yêu thương, của tri thức, và của hy vọng. Mỗi chuyến đi như thế là một lần tôi thấy mình nhỏ lại – để lắng nghe, để học từ chính các em – những tâm hồn trong trẻo giữa núi rừng, đang khát khao vươn lên bằng chính đôi chân mình.
“Chúng ta không thể thay đổi tất cả, nhưng chúng ta có thể bắt đầu bằng một cuốn sách, một lời chúc, một bàn tay đưa ra đúng lúc…”
Nếu bạn đọc những dòng này và thấy trái tim mình thổn thức – xin hãy cùng cùng ATM tủ sách tôi tiếp nối những hành trình như thế. “Hành trình gieo chữ, chạm mơ ước, và gửi yêu thương đến tận vùng cao” Một ngày văn hóa đọc đầy ỹ nghĩa không chỉ với cá nhân tôi mà còn là thầy trò vùng cao nơi đây. Xin hẹn gặp lại 1 ngày không xa.
Diệu Thơm