- Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sāvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Sāriputta (Xá-lợi-phất) gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo!
– Thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Sāriputta. Tôn giả Sāriputta nói như sau:
– Chư Hiền, chánh tri kiến, chánh tri kiến, được gọi là như vậy. Chư Hiền, cho đến như thế nào, một Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chúng tôi từ xa đến để được hiểu ý nghĩa lời nói ấy từ Tôn giả Sāriputta. Thật lành thay, nếu Tôn giả Sāriputta giảng cho ý nghĩa lời nói ấy! Sau khi nghe Tôn giả Sāriputta, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
– Chư Hiền, vậy hãy nghe, hãy khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo vâng đáp Tôn giả Sāriputta. Tôn giả Sāriputta nói như sau:
– Chư Hiền, khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bản bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bản thiện, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là bất thiện, thế nào là căn bản bất thiện, thế nào là thiện, thế nào là căn bản thiện? Chư Hiền, sát sanh là bất thiện, lấy của không cho là bất thiện, tà hạnh trong các dục là bất thiện, nói láo là bất thiện, nói hai lưỡi là bất thiện, ác khẩu là bất thiện, nói phù phiếm là bất thiện, tham dục là bất thiện, sân là bất thiện, tà kiến là bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là bất thiện. Và chư Hiền, thế nào là căn bản bất thiện? Tham là căn bản bất thiện, sân là căn bản bất thiện, si là căn bản bất thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bản bất thiện. Và này chư Hiền, thế nào là thiện? Từ bỏ sát sanh là thiện, từ bỏ lấy của không cho là thiện, từ bỏ tà hạnh trong các dục là thiện, từ bỏ nói láo là thiện, từ bỏ nói hai lưỡi là thiện, từ bỏ ác khẩu là thiện, từ bỏ nói phù phiếm là thiện, không tham dục là thiện, không sân là thiện, chánh tri kiến là thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là thiện. Chư Hiền, thế nào là căn bản thiện? Không tham là căn bản thiện, không sân là căn bản thiện, không si là căn bản thiện. Chư Hiền, như vậy gọi là căn bản thiện. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri bất thiện như vậy, tuệ tri căn bản bất thiện như vậy, tuệ tri thiện như vậy, tuệ tri căn bản thiện như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
90.- Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta và hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này vị Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn, tuệ tri tập khởi của thức ăn, tuệ tri đoạn diệt của thức ăn, và tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là thức ăn, thế nào là tập khởi của thức ăn, thế nào là đoạn diệt của thức ăn, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn? Chư Hiền, có bốn loại thức ăn này, khiến các loài chúng sanh đã sanh được an trú hay các loài hữu tình sẽ sanh được hỗ trợ cho sanh. Thế nào là bốn? Ðoàn thực loại thô hay loại tế là thứ nhất, xúc thực là thứ hai, tư niệm thực là thứ ba, thức thực là thứ tư. Từ tập khởi của ái có tập khởi của thức ăn, từ đoạn diệt của ái có đoạn diệt của thức ăn. Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn như vậy, tuệ tri tập khởi của thức ăn như vậy, tuệ tri đoạn diệt của thức ăn như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri khổ, tuệ tri tập khởi của khổ, tuệ tri đoạn diệt của khổ, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của khổ, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là khổ, thế nào là tập khởi của khổ, thế nào là đoạn diệt của khổ, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của khổ? Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu-bi-khổ-ưu-não là khổ, cầu không được là khổ, oán tắng hội khổ, ái biệt ly khổ, tóm lại năm thủ uẩn là khổ. Chư Hiền, như vậy gọi là khổ. Chư Hiền, thế nào là tập khởi của khổ? Chính là ái đưa đến tái sanh, cùng khởi hỷ dục và tham hướng đến tái sanh, cùng khởi hỷ dục và tham, tìm cầu hỷ lạc chỗ này chỗ kia, tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Chư Hiền, như vậy gọi là tập khởi của khổ. Chư Hiền, thế nào là đoạn diệt của khổ? Ðó là sự đoạn diệt ly tham, không có dư tàn, sự quăng bỏ, sự từ bỏ, sự giải thoát, sự vô chấp khát ái ấy. Chư Hiền, như vậy gọi là đoạn diệt của khổ. Chư Hiền, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của khổ? Chính là Thánh đạo tám ngành đưa đến khổ diệt, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, như vậy gọi là con đường đưa đến đoạn diệt của khổ. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri khổ như vậy, tuệ tri tập khởi của khổ như vậy, tuệ tri đoạn diệt của khổ như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của khổ như vậy, khi ấy vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta và hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri già chết, tuệ tri tập khởi của già chết, tuệ tri đoạn diệt của già chết, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của già chết, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là già chết, thế nào là tập khởi của già chết, thế nào là đoạn diệt của già chết, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của già chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào, trong từng mỗi loại hữu tình, sự già cả, suy lão, rụng răng, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ ngày một hao mòn, bại hoại các căn. Chư Hiền, như vậy gọi là già. Chư Hiền, thế nào là chết? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào trong từng mỗi loại hữu tình, sự mệnh một, từ trần, hủy hoại, hoại diệt, tử biệt, mệnh chung, hủy hoại các uẩn, vất bỏ hình hài. Chư Hiền, như vậy gọi là chết. Già như vậy và chết như vậy, chư Hiền, như vậy gọi là già chết. Từ sự tập khởi của sanh, có sự tập khởi của già chết; từ sự đoạn diệt của sanh, có sự đoạn diệt của già chết. Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của già chết, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri già chết như vậy, tuệ tri tập khởi của già chết như vậy, tuệ tri đoạn diệt của già chết như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của già chết như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
93.- Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri sanh, tuệ tri tập khởi của sanh, tuệ tri đoạn diệt của sanh, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của sanh, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là sanh, thế nào là tập khởi của sanh, thế nào là đoạn diệt của sanh, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của sanh? Thuộc bất kỳ hữu tình giới nào, trong từng mỗi loại hữu tình, sự sanh, hiện khởi, xuất hiện, hiện diện, hiện hành các uẩn, tụ đắc các xứ. Chư Hiền, như vậy gọi là sanh. Từ sự tập khởi của hữu, có sự tập khởi của sanh; từ sự đoạn diệt của hữu, có sự đoạn diệt của sanh, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của sanh, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri được sanh như vậy, tuệ tri được tập khởi của sanh như vậy, tuệ tri được đoạn diệt của sanh như vậy, tuệ tri được con đường đưa đến đoạn diệt của sanh như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri hữu, tuệ tri tập khởi của hữu, tuệ tri đoạn diệt của hữu, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của hữu, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là hữu, thế nào là tập khởi của hữu, thế nào là đoạn diệt của hữu, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của hữu? Chư Hiền, có ba hữu này: Dục hữu, sắc hữu, vô sắc hữu. Từ tập khởi của thủ, có tập khởi của hữu; từ đoạn diệt của thủ, có đoạn diệt của hữu, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của hữu, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri hữu như vậy, tuệ tri tập khởi của hữu như vậy, tuệ tri đoạn diệt của hữu như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của hữu như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thủ, tuệ tri tập khởi của thủ, tuệ tri đoạn diệt của thủ, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thủ, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là thủ, thế nào là tập khởi của thủ, thế nào là đoạn diệt của thủ, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thủ? Chư Hiền, có bốn thủ này: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Từ tập khởi của ái, có tập khởi của thủ; từ đoạn diệt của ái, có đoạn diệt của thủ, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của thủ, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thủ như vậy, tuệ tri tập khởi của thủ như vậy, tuệ tri đoạn diệt của thủ như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thủ như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri ái, tuệ tri tập khởi của ái, tuệ tri đoạn diệt của ái, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của ái, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là ái, thế nào là tập khởi của ái, thế nào là đoạn diệt của ái, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của ái? Chư Hiền, có sáu loại này: Sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Từ tập khởi của thọ, có tập khởi của ái; từ đoạn diệt của thọ, có đoạn diệt của ái, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của ái, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri ái như vậy, tuệ tri tập khởi của ái như vậy, tuệ tri đoạn diệt của ái như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của ái như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thọ, tuệ tri tập khởi của thọ, tuệ tri đoạn diệt của thọ, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thọ, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là thọ, thế nào là tập khởi của thọ, thế nào là đoạn diệt của thọ, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thọ? Chư Hiền, có sáu loại thọ này: Thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Từ tập khởi của xúc, có tập khởi của thọ; từ đoạn diệt của xúc, có đoạn diệt của thọ, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của thọ, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thọ như vậy, tuệ tri tập khởi của thọ như vậy, tuệ tri đoạn diệt của thọ như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thọ như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri xúc, tuệ tri tập khởi của xúc, tuệ tri đoạn diệt của xúc, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của xúc, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là xúc, thế nào là tập khởi của xúc, thế nào là đoạn diệt của xúc, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của xúc? Chư Hiền, có sáu loại xúc này: Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Từ tập khởi của sáu nhập, có tập khởi của xúc; từ đoạn diệt của sáu nhập, có đoạn diệt của xúc, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của xúc, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri xúc như vậy, tuệ tri tập khởi của xúc như vậy, tuệ tri đoạn diệt của xúc như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của xúc như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri sáu nhập, tuệ tri tập khởi của sáu nhập, tuệ tri đoạn diệt của sáu nhập, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của sáu nhập, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là sáu nhập, thế nào là tập khởi của sáu nhập, thế nào là đoạn diệt của sáu nhập, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của sáu nhập? Chư Hiền, có sáu nhập này: Nhãn nhập, nhĩ nhập, tỷ nhập, thiệt nhập, thân nhập, ý nhập. Từ tập khởi của danh sắc, có tập khởi của sáu nhập; từ đoạn diệt của danh sắc, có đoạn diệt của sáu nhập, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của sáu nhập, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào vị Thánh đệ tử tuệ tri sáu nhập như vậy, tuệ tri tập khởi của sáu nhập như vậy, tuệ tri đoạn diệt của sáu nhập như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của sáu nhập như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri danh sắc, tuệ tri tập khởi của danh sắc, tuệ tri đoạn diệt của danh sắc, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của danh sắc, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là danh sắc, thế nào là tập khởi của danh sắc, thế nào là đoạn diệt của danh sắc, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý, chư Hiền, như vậy gọi là danh; bốn đại và sắc do bốn đại tạo thành, chư Hiền, như vậy gọi là sắc. Như vậy đây là danh và đây là sắc, Chư Hiền, như vậy gọi là danh sắc. Từ tập khởi của thức, có tập khởi của danh sắc; từ đoạn diệt của thức, có đoạn diệt của danh sắc, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của danh sắc, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri danh sắc như vậy, tuệ tri tập khởi của danh sắc như vậy, tuệ tri đoạn diệt của danh sắc như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của danh sắc như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức, tuệ tri tập khởi của thức, tuệ tri đoạn diệt của thức, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là thức, thế nào là tập khởi của thức, thế nào là đoạn diệt của thức, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của thức? Chư Hiền, có sáu loại thức này: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Từ tập khởi của hành, có tập khởi của thức; từ đoạn diệt của hành, có đoạn diệt của thức, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của thức, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức như vậy, tuệ tri tập khởi của thức như vậy, tuệ tri đoạn diệt của thức như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri hành, tuệ tri tập khởi của hành, tuệ tri đoạn diệt của hành, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của hành, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là hành, thế nào là tập khởi của hành, thế nào là đoạn diệt của hành, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của hành? Chư Hiền, có ba loại hành này: Thân hành, ngữ hành, tâm hành. Từ tập khởi của vô minh có tập khởi của hành; từ đoạn diệt của vô minh có đoạn diệt của hành, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của hành, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri hành như vậy, tuệ tri tập khởi của hành như vậy, tuệ tri đoạn diệt của hành như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của hành như vậy, khi ấy vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri vô minh, tuệ tri tập khởi của vô minh, tuệ tri đoạn diệt của vô minh, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của vô minh, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là vô minh, thế nào là tập khởi của vô minh, thế nào là đoạn diệt của vô minh, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của vô minh? Sự không tuệ tri về khổ, không tuệ tri về khổ tập, không tuệ tri về khổ diệt, không tuệ tri về con đường đưa đến khổ diệt, Chư Hiền, như vậy gọi là vô minh. Từ tập khởi của lậu hoặc có tập khởi của vô minh; từ đoạn diệt của lậu hoặc có đoạn diệt của vô minh, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của vô minh, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri vô minh như vậy, tuệ tri tập khởi của vô minh như vậy, tuệ tri đoạn diệt của vô minh như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của vô minh như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
- – Lành thay, Hiền giả!
Các Tỷ-kheo ấy, sau khi hoan hỷ tín thọ lời nói Tôn giả Sāriputta, liền hỏi thêm Tôn giả Sāriputta câu hỏi như sau:
– Này Hiền giả, có thể có pháp môn nào khác, nhờ pháp môn này Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này?
– Chư Hiền, có thể có. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri lậu hoặc, tuệ tri tập khởi của lậu hoặc, tuệ tri đoạn diệt của lậu hoặc, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc. Chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Chư Hiền, thế nào là lậu hoặc, thế nào là tập khởi của lậu hoặc, thế nào là đoạn diệt của lậu hoặc, thế nào là con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc? Chư Hiền, có ba lậu hoặc này: Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Từ tập khởi của vô minh có tập khởi của lậu hoặc; từ đoạn diệt của vô minh có đoạn diệt của lậu hoặc, và Thánh đạo tám ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc, tức là: Chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Chư Hiền, khi nào Thánh đệ tử tuệ tri lậu hoặc như vậy, tuệ tri tập khởi của lậu hoặc như vậy, tuệ tri đoạn diệt của lậu hoặc như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của lậu hoặc như vậy, khi ấy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạn tùy miên “tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh khởi lên, diệt tận khổ đau ngay trong hiện tại. Chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu Diệu pháp này.
Tôn giả Sāriputta thuyết giảng như vậy, các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời giảng của Tôn giả Sāriputta.
Nguồn: (Trích: 9. Kinh Chánh Tri Kiến, Kinh Trung Bộ, Nikaya, NXB Hồng Đức, 2020, Trang 53-63, Dịch giả Hòa Thượng Thích Minh Châu).