TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN
(NIDÃNASAMYUTTA)
I. PHẨM PHẬT – ĐÀ (BUDDHAVAGGA)
I. KINH DUYÊN KHỞI (Paticcasamuppãdasutta) — (Tạp 12.16, Ðại 2,85a) (S.ii,1)
1. Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sãvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), trong vườn ông Anãthapindika (Cấp Cô Ðộc).
Rồi Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo!
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết cho các ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là tập khởi.
Nhưng do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt; do xúc diệt nên thọ diệt; do thọ diệt nên ái diệt; do ái diệt nên thủ diệt; do thủ diệt nên hữu diệt; do hữu diệt nên sanh diệt; do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, như vậy gọi là đoạn diệt.
Thế Tôn nói như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
II. KINH PHÂN BIỆT (Vibhangasutta) — (Tạp 12.16, Ðại 2,85a) (S.ii,2)
2. Trú ở Sàvatthi (Xá-vệ)….
– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết và phân tích cho các Ông về lý Duyên khởi. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Này các Tỷ-kheo, thế nào là lý Duyên khởi? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên sanh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là già, chết? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác, bị già, yếu, suy nhược, hủ bại, tóc bạc, da nhăn, tuổi thọ tàn lụi, các căn chín muồi; đây gọi là già. Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị một diệt, hủy hoại, tiêu mất, tử vong, các uẩn hư hoại, thân thể hoại diệt, vứt bỏ; đây gọi là chết. Như vậy, đây là già, đây là chết. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là già, chết.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sanh? Cái gì thuộc chúng sanh này hay chúng sanh khác, thuộc bộ loại chúng sanh này hay thuộc bộ loại chúng sanh khác bị sanh, xuất sanh, giáng sanh, đản sanh, sự xuất hiện các uẩn, sự thành tựu các xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sanh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hữu? Này các Tỷ-kheo, có ba hữu này: Dục hữu, Sắc hữu, Vô sắc hữu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hữu.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thủ? Này các Tỷ-kheo, có bốn thủ này: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, ngã luận thủ. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là thủ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ái? Này các Tỷ-kheo, có sáu ái thân này: Sắc ái, thanh ái, hương ái, vị ái, xúc ái, pháp ái. Này các Tỷ- kheo, đây gọi là ái.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thọ? Này các Tỷ-kheo, có sáu thọ thân này: Thọ do nhãn xúc sanh; thọ do nhĩ xúc sanh; thọ do tỷ xúc sanh; thọ do thiệt xúc sanh; thọ do thân xúc sanh; thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thọ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xúc? Này các Tỷ-kheo, có sáu xúc này: Nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xúc.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu xứ? Nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, ý xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu xứ.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là danh sắc? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý; đây gọi là danh. Bốn đại chủng và sắc do bốn đại chủng tạo ra; đây gọi là sắc. Như vậy, đây là danh, đây là sắc. Này các Tỷ – kheo, đây gọi là danh sắc.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thức? Này các Tỷ-kheo, có sáu thức thân này: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thức.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hành? Này các Tỷ-kheo, có ba hành này: Thân hành, khẩu hành, ý hành. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hành.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là vô minh? Này các Tỷ-kheo, không rõ biết khổ, không rõ biết khổ tập, không rõ biết khổ diệt, không rõ biết Con đường đưa đến khổ diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là vô minh.
Như vậy này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.
Nhưng do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt; do xúc diệt nên thọ diệt; do thọ diệt nên ái diệt; do ái diệt nên thủ diệt; do thủ diệt nên hữu diệt; do hữu diệt nên sanh diệt; do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều diệt. Như vậy là ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn bộ khổ uẩn này.
III. KINH CON ĐƯỜNG (Patipadãsutta) (S.ii,4)
3. Trú ở Sàvatthi….
– Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ thuyết giảng cho các ông về tà đạo và chánh đạo. Hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
– Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tà đạo? Này các Tỷ-kheo, vô minh duyên hành; hành duyên thức… (như trên)… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này tập khởi. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tà đạo.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là chánh đạo? Do ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn nên hành diệt; do hành diệt nên thức diệt… (như trên)… Như vậy là toàn bộ khổ uẩn này đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là chánh đạo.
IV. VIPASSĨ (Vipassĩsutta) (Tạp 15.2-3, Ðại 2,101a) (S.ii,5)
4. Trú ở Sàvatthi….
– Này các Tỷ-kheo, Thế Tôn Vipassĩ bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác, trước khi Ngài giác ngộ, chưa chứng Chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát đã khởi lên tư tưởng sau đây: “Thật sự thế giới này bị giam hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, đoạn diệt và tái sanh. Và từ nơi đau khổ này, không biết xuất ly, thoát khỏi già và chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào biết đến xuất ly, thoát khỏi già và chết.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, già chết có mặt? Do duyên gì, già chết sanh khởi?” Sau khi như lý tư duy, này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do sanh có mặt, già chết có mặt. Do duyên sanh, già chết sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, sanh có mặt? Do duyên gì, sanh sanh khởi?”. Sau khi như lý tư duy, này các Tỷ- kheo, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do hữu có mặt nên sanh có mặt. Do duyên hữu, sanh sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, hữu có mặt? Do duyên gì, hữu sanh khởi?” Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do thủ có mặt, nên hữu có mặt. Do duyên thủ, hữu sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, thủ có mặt? Do duyên gì, thủ sanh khởi?” Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do ái có mặt nên thủ có mặt. Do duyên ái, thủ sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, ái có mặt? Do duyên gì, ái sanh khởi?” Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do thọ có mặt nên ái có mặt. Do duyên thọ, nên ái sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, thọ có mặt? Do duyên gì, thọ sanh khởi?” Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do xúc có mặt nên thọ có mặt. Do duyên xúc, thọ sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, xúc có mặt? Do duyên gì, xúc sanh khởi?” Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do sáu xứ có mặt nên xúc có mặt. Do duyên sáu xứ, xúc sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, sáu xứ có mặt? Do duyên gì, sáu xứ sanh khởi?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do danh sắc có mặt nên sáu xứ có mặt. Do duyên danh sắc, sáu xứ sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, danh sắc có mặt? Do duyên gì, danh sắc sanh khởi?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do thức có mặt nên danh sắc có mặt. Do duyên thức, danh sắc sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, thức có mặt? Do duyên gì, thức sanh khởi?” Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do hành có mặt nên thức có mặt. Do duyên hành, thức sanh khởi.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì có mặt, hành có mặt? Do duyên gì, hành sanh khởi?” Rồi này các Tỷ- kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do vô minh có mặt nên hành có mặt. Do duyên vô minh, hành sanh khởi.”
Như vậy, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ; sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não được sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
“Tập khởi, tập khởi”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, với Bồ-tát Vipassĩ, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
Và này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt nên già chết không có mặt? Do cái gì diệt nên già chết diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: “Do sanh không có mặt nên già, chết không có mặt. Do sanh diệt nên già chết diệt.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt nên sanh không có mặt? Do cái gì diệt nên sanh diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: “Do hữu không có mặt nên sanh không có mặt. Do hữu diệt nên sanh diệt.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt nên hữu không có mặt? Do cái gì diệt nên hữu diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do thủ không có mặt nên hữu không có mặt. Do thủ diệt nên hữu diệt.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt nên thủ không có mặt? Do cái gì diệt nên thủ diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do ái không có mặt nên thủ không có mặt. Do ái diệt nên thủ diệt.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt nên ái không có mặt? Do cái gì diệt nên ái diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do thọ không có mặt nên ái không có mặt. Do thọ diệt nên ái diệt.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt nên thọ không có mặt? Do cái gì diệt nên thọ diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do xúc không có mặt nên thọ không có mặt. Do xúc diệt nên thọ diệt.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt nên xúc không có mặt? Do cái gì diệt nên xúc diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do sáu xứ không có mặt nên xúc không có mặt. Do sáu xứ diệt, nên xúc diệt.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt nên sáu xứ không có mặt? Do cái gì diệt nên sáu xứ diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do danh sắc không có mặt nên sáu xứ không có mặt. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì không có mặt nên danh sắc không có mặt? Do cái gì diệt nên danh sắc diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sinh minh kiến như sau: “Do thức không có mặt nên danh sắc không có mặt. Do thức diệt nên danh sắc diệt”.
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassĩ lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì không có mặt nên thức không có mặt? Do cái gì diệt nên thức diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassĩ nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: “Do hành không có mặt nên thức không có mặt. Do hành diệt nên thức diệt.”
Rồi này các Tỷ-kheo, Bồ-tát Vipassì lại suy nghĩ như sau: “Do cái gì không có mặt nên hành không có mặt? Do cái gì diệt nên hành diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, Bồ-tát Vipassì nhờ trí tuệ, phát sanh minh kiến như sau: “Do vô minh không có mặt nên hành không có mặt. Do vô minh diệt nên hành diệt”.
Như vậy, do vô minh diệt nên hành diệt; do hành diệt nên thức diệt; do thức diệt nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt; do xúc diệt nên thọ diệt; do thọ diệt nên ái diệt; do ái diệt nên thủ diệt; do thủ diệt nên hữu diệt; do hữu diệt nên sanh diệt; do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
“Ðoạn diệt, đoạn diệt”, này các Tỷ-kheo, trong các pháp từ trước chưa từng được nghe, đối với Bồ-tát Vipassĩ, nhãn khởi nên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
V. KINH SIKHĨ (Sikhĩsutta) (S.ii,9 )
5. Này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Sikhĩ (Thi – khí), bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… (như trên)
VI. KINH VESSABHŨ (Vessabhũsutta) (S.ii,9)
6. Rồi này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Vessabhũ (Tỷ – xá – phù), bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… (như trên).
VII. KINH KAKUSANDHA (Kahusandhasutta) (S.ii,9)
7. Rồi này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Kakusandha (Cầu – lưu – tôn), bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… (như trên)
VIII. KINH KONÃGAMANA (Konãgamanasutta). (S.ii,9)
8. Rồi này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Konãgamana (Câu-na-hàm), bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… (như trên)…
IX. KINH KASSAPA (Kassapasutta) (S.ii,9)
9. Rồi này các Tỷ-kheo, với Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp), bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… (như trên).
X. KINH GOTAMA (Gotamasutta). (S.ii,10)
10. Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh đẳng giác, còn là Bồ-tát, tư tưởng sau đây được khởi lên: “Thật sự thế giới này bị hãm trong khổ não, bị sanh, bị già, bị chết, bị đoạn diệt và bị tái sanh. và từ nơi đau khổ này, không biết sự xuất ly, thoát khỏi già và chết; từ nơi đau khổ này, không biết khi nào được biết đến sự xuất ly, thoát khỏi già và chết”.
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì có mặt, già chết có mặt? Do duyên gì, già, chết sanh khởi?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, Ta phát sinh minh kiến như sau: “Do sanh có mặt, già chết có mặt. Do duyên sanh, già chết sanh khởi”.
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì có mặt, sanh mới có mặt…hữu… thủ…ái…thọ…xúc…sáu xứ…danh sắc…thức… hành… Do duyên gì hành sanh khởi?”
Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, Ta phát sanh minh kiến như sau: “Do vô minh có mặt nên hành có mặt. Do duyên vô minh nên hành sanh khởi.”
Như vậy, vô minh duyên hành, hành duyên thức…(như trên)…hữu duyên sanh, sanh duyên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.
“Tập khởi, tập khởi”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi Ta, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt nên già chết không có mặt? Do cái gì diệt nên già chết diệt?” Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, Ta phát sanh minh kiến như sau: “Do sanh không có mặt nên già chết không có mặt. Do sanh diệt nên già chết diệt”.
Rồi này các Tỷ-kheo, Ta lại suy nghĩ như sau: “Cái gì không có mặt, sanh không có mặt. ..hữu. ..thủ. ..ái. ..thọ. ..xúc. ..sáu xứ…danh sắc. ..thức. ..hành… Do cái gì diệt hành diệt?”
Rồi này các Tỷ-kheo, sau khi như lý tư duy, nhờ trí tuệ, Ta phát sinh minh kiến như sau: “Do vô minh không có mặt nên hành không có mặt. Do duyên vô minh diệt nên hành diệt”.
Như vậy, do vô minh diệt hành diệt; do hành diệt, thức diệt… Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.
“Ðoạn diệt, đoạn diệt”, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp từ trước chưa từng được nghe, chính nơi Ta nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
(Trích: 12. Tương ưng nhân duyên, Kinh Tương ưng bộ, Nikaya, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2020, trang 289-296, Dịch giả Hoà thượng Thích Minh Châu)
Home » Kinh Nikaya » Kinh Tương Ưng » TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN
TƯƠNG ƯNG NHÂN DUYÊN
- admin
- January 4, 2023
- 10:02 am
- No Comments
tin liên quan